Vướng mắc về yêu cầu mức cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn

 

Vướng mắc về yêu cầu mức cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn

HUỲNH VĂN SÁNG (VKSND huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp) - Khi giải quyết các vụ án tranh chấp hôn nhân và gia đình việc giải quyết giao con cho cha hoặc mẹ nuôi dưỡng, người còn lại không nuôi dưỡng con chung có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con. Nhưng thực tế hiện nay vẫn còn nhiều bất cấp về việc cấp dưỡng nuôi con trong thực tiễn như mức cấp dưỡng và khó khăn trong việc yêu cầu thi hành án.

17 tháng 04 năm 2023 08:31 GMT+7     0 Bình luận

Khoản 24 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 (Luật HNGĐ 2014) định nghĩa “Cấp dưỡng là việc một người có nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình mà có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng trong trường hợp người đó là người chưa thành niên, người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình hoặc người gặp khó khăn, túng thiếu”.

Ví dụ: Ngày 05/01/2021 anh A yêu cầu ly hôn với chị B, chị B yêu cầu nuôi 02 con chung là cháu E (sinh ngày 10/01/2012) và cháu F (sinh ngày 05/02/2014), anh A cấp dưỡng nuôi con theo quy định của pháp luật, anh A đồng ý.

Theo khoản 1 Điều 116 Luật HNGĐ 2014 quy định:“1. Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết”.

Như vậy, nếu các bên không thỏa thuận được thì khi quyết định mức cấp dưỡng nuôi con, Tòa án phải căn cứ vào hai yếu tố; (1) thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng; (2) việc cấp dưỡng phải đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng.

Khoản 1, khoản 2 Điều 16 Nghị định 70/2001/NĐ-CP ngày 03/10/2001 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật HNGĐ năm 2000 thì “khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng” được hiểu là “người đó có thu nhập thường xuyên hoặc tuy không có thu nhập thường xuyên nhưng còn tài sản sau khi đã trừ đi chi phí thông thường cần thiết cho cuộc sống của người đó”.

Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP ngày 23/12/2000 của HĐTP TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật HNGĐ 2000 quy định: “Tiền cấp dưỡng nuôi con bao gồm những chi phí tối thiểu cho việc nuôi dưỡng và học hành của con và do các bên thỏa thuận. Trong trường hợp các bên không thỏa thuận được thì tùy vào từng trường hợp cụ thể, vào khả năng của mỗi bên mà quyết định mức cấp dưỡng nuôi con cho hợp lý”.

Tham khảo Mục 2 Phần III Công văn số 24/1999/KHXX ngày 17/3/1999 của TANDTC: Tòa án phải xem xét đến khả năng kinh tế nói chung và thu nhập nói riêng của người phải đóng góp phí tổn cũng như khả năng kinh tế nói chung và thu nhập nói riêng của người nuôi dưỡng con. Trong đó mức đóng góp phí tổn nuôi dưỡng, giáo dục con tối thiểu không dưới 1/2 (một phần hai) mức lương tối thiểu do Nhà nước quy định tại thời điếm xét xử sơ thẩm đối với một người con đế làm căn cứ giải quyết”.

Tuy hiện nay Luật HNGĐ 2014 đã được ban hành và đang có hiệu lực áp dụng nhưng chưa có văn bản hướng dẫn mới về thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng nên để có cơ sở giải quyết khi có phát sinh tranh chấp vẫn phải áp dụng tinh thần của những văn bản hướng dẫn Luật HNGĐ 1986 và Luật HNGĐ 2000 để giải quyết. Như vậy dẫn đến không đảm bảo tính phù hợp với điều kiện hoàn cảnh kinh tế xã hội hiện nay khi nhu cầu, điều kiện nuôi dưỡng con tốn nhiều chi phí hơn để đảm bảo chi phí sống tối thiểu.

Theo như ví dụ trên thì giữa anh A và chị B không thỏa thuận được mức cấp dưỡng nuôi 02 cháu E và cháu F nên chị B yêu cầu anh A cấp dưỡng theo quy định pháp luật, anh A đồng ý cấp dưỡng. Tuy nhiên hiện nay anh A lao động hành nghề tự do không xác định được thu nhập nên Tòa án buộc anh A phải cấp dưỡng nuôi cháu E và cháu F mỗi cháu ½ mức lương tối thiểu do Nhà nước quy định. Như vậy theo quy định tại thời điểm xét xử sơ thẩm mức lương tối thiểu là 1.490.000 đồng/2 = 745.000 đồng. Như vậy mỗi tháng anh A phải giao cho chị B tiền cấp dưỡng nuôi cháu E và cháu F là 1.490.000 đồng.

Do anh A làm nghề lao động tự do nên nguồn thu nhập không ổn định, việc giao tiền cho chị B cấp dưỡng nuôi con hàng tháng không đầy đủ. Có trường hợp không giao tiền cấp dưỡng. Đối với trường hợp này chị B có quyền yêu cầu Cơ quan Thi hành án thi hành nhưng việc thi hành đối với trường hợp này cũng khó khăn, chủ yếu là ý chí tự giác của anh A vì anh A không có nguồn thu nhập cố định nên để xác định cưỡng chế thi hành án gặp rất nhiều khó khăn.

Do đó, rất cần hướng dẫn cụ thể mức cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn đối với trường hợp vợ chồng không thỏa thuận được mức cấp dưỡng nuôi con. Mức cấp dưỡng cần phù hợp với điều kiện hoàn cảnh kinh tế xã hội hiện nay.

 

TAND thành phố Cần Thơ xét xử vụ án tranh chấp ly hôn- Ảnh: Hầu Bích Thủy

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

7 thói quen giúp tăng cường tình cảm giữa cha mẹ và con

Quan điểm của đạo Phật về việc ly hôn