Ly hôn khi có 2 đứa con là điều không ai mong muốn, nhưng nhiều cặp vợ chồng vẫn phải đưa ra quyết định này khi không thể tiếp tục chung sống. Và quyền nuôi con sau ly hôn luôn là vấn đề gây tranh cãi.
Quy định của pháp luật về quyền nuôi con sau ly hôn
Mặc dù ly hôn là điều không ai mong muốn, nhưng cực chẳng đã bạn phải ly hôn thì hãy xem xét các quy định của pháp luật về quyền nuôi con sau ly hôn, để biết khả năng giành được quyền nuôi con của mình như thế nào. Từ đó có những quyết định sáng suốt cho bản thân.
Pháp luật luôn ưu tiên sự thỏa thuận của các bên liên quan. Nếu khi ly hôn 2 vợ chồng tự thỏa thuận được việc nuôi dưỡng, chăm sóc con sau ly hôn thì tòa án sẽ chấp nhận sự thỏa thuận đó. Ngược lại nếu vợ chồng không tự thỏa thuận được, thì tòa án sẽ giao con cho 1 bên trực tiếp chăm sóc.
Việc tòa án giao con cho bên nào phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: độ tuổi của con, quyền lợi của con về mọi mặt hay nguyện vọng của con,… Trong đó độ tuổi của con có ảnh hưởng lớn nhất.
Đối với con dưới 36 tháng tuổi
Pháp luật quy định con dưới 36 tháng tuổi sẽ được giao cho người mẹ trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng. Quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi chỉ thuộc về người cha khi người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp nuôi dưỡng, giáo dục hoặc có sự thỏa thuận khác của cha mẹ nhưng phải phù hợp với lợi ích của con.
Đối với con trên 36 tháng tuổi và dưới 7 tuổi
Trường hợp này tòa án sẽ căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con để phân chia quyền nuôi con sau ly hôn. Quyền lợi về mọi mặt của con bao gồm:
- Quyền được cha mẹ yêu thương, chăm sóc và tôn trọng, đồng thời thực hiện các quyền và lợi ích hợp pháp của con về tài sản và nhân thân theo đúng quy định của pháp luật.
- Quyền được đi học, được giáo dục, dạy dỗ.
- Quyền được sống trong môi trường lành mạnh, phát triển cả về thể chất, trí tuệ và đạo đức.
Đối với con trên 7 tuổi
Con trên 7 tuổi, khi phân chia quyền nuôi con sau ly hôn, tòa án ngoài việc xem xét đến các quyền lợi về mọi mặt của con còn xem xét cả nguyện vọng của con. Nếu cha/mẹ có đủ điều kiện để thực hiện các quyền lợi cho con nhưng nguyện vọng của con lại không muốn ở cùng người đó, thì quyền nuôi con có thể sẽ được giao cho người còn lại.
Ly hôn khi có 2 đứa con đều lớn hơn 3 tuổi
Theo như các quy định của pháp luật về quyền nuôi con trên 3 tuổi khi ly hôn đã được phân tích ở trên thì:
Nếu cả 2 bé đều nhỏ hơn 7 tuổi thì tòa án sẽ xem xét các quyền lợi về mọi mặt của trẻ để đưa ra quyết định.
- Trường hợp cả bố và mẹ đều đủ điều kiện để trực tiếp chăm sóc, dạy dỗ con thì con sẽ được chia cho 2 người, mỗi người nuôi 1 bé.
- Trường hợp bố hoặc mẹ không đủ điều kiện để chăm sóc, dạy dỗ con thì cả 2 con sẽ được giao cho người nào có điều kiện tốt hơn chăm sóc.
Trường hợp ly hôn khi có 2 con nhỏ dưới 3 tuổi
Theo quy định của pháp luật thì con dưới 36 tháng tuổi sẽ được giao cho mẹ chăm sóc. Điều kiện để mẹ được nuôi 2 con khi ly hôn trong trường hợp này là người mẹ phải đủ điều kiện để trực tiếp chăm sóc cho cả 2 con. Nếu người mẹ không đủ điều kiện chăm sóc cả 2 hoặc có thỏa thuận khác giữa 2 vợ chồng mà phù hợp với lợi ích của trẻ thì có thể sẽ có 1 trong 2 bé được giao cho người chồng nuôi dưỡng.
Ly hôn khi có 1 con trên 3 tuổi, 1 con dưới 3 tuổi
Với bé dưới 3 tuổi thì theo quy định về quyền nuôi con dưới 3 tuổi khi ly hôn, bé sẽ được giao cho người mẹ chăm sóc, trừ khi người mẹ không đủ điều kiện hoặc có thỏa thuận khác giữa 2 vợ chồng.
- Nếu bé dưới 7 tuổi thì tòa án sẽ xem xét các quyền lợi về mọi mặt của trẻ để quyết định. Thông thường nếu ở trên người mẹ đã được quyền chăm sóc bé dưới 3 tuổi thì bé trên 3 tuổi này sẽ được giao cho người bố chăm sóc, trừ khi người bố không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.
- Nếu bé trên 7 tuổi thì ngoài việc xem xét các quyền lợi về mọi mặt của trẻ như trên, tòa án còn xem xét nguyện vọng của bé. Nếu bé muốn ở với mẹ, mà người mẹ đủ điều kiện để chăm sóc, giáo dục cả 2 con thì có thể cả 2 bé đều sẽ được giao cho mẹ.
Ly hôn khi có 2 đứa con thì việc phân chia quyền nuôi con sau ly hôn cũng đỡ căng thẳng hơn so với các trường hợp khác. Luật gia Nguyễn Lực - 0982117814 chúc các bạn có những quyết định sáng suốt sau khi đọc bài viết này!
Nhận xét
Đăng nhận xét